Phẫu thuật thay khớp là một trong những biện pháp điều trị viêm khớp hàng đầu. Cũng giống như các loại phẫu thuật khác, rủi ro nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp hoàn toàn có thể xảy ra, dù với tỷ lệ rất thấp. Đây là loại biến chứng nặng nề và nguy hiểm cho người bệnh. Trong bài viết này, Drknee sẽ cung cấp cho bạn các thông tin liên quan đến nhiễm trùng sau thay khớp và cách theo dõi, xử lý phù hợp.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp
Nhiễm trùng có thể xảy ra ở vết thương, ở sâu trong hoặc quanh vết thương. Khả năng nhiễm trùng có thể xảy ra ngay sau khi phẫu thuật hoặc sau khi phẫu thuật được nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Nhiễm trùng sau thay khớp có thể được phân loại theo thời gian như sau:
- Giai đoạn 1: Nhiễm trùng trong vòng dưới 6 tháng kể từ khi phẫu thuật, được gọi là nhiễm trùng cấp tính.
- Giai đoạn 2: Nhiễm trùng sau thay khớp từ 6 tháng đến 2 năm
- Giai đoạn 3: Nhiễm trùng qua sau thay khớp 2 năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu của đa số các ca nhiễm trùng:
- Nhiễm khuẩn khi phẫu thuật.
- Do vi khuẩn từ vùng khác tới theo đường máu.
- Do vi khuẩn xâm nhập từ vùng kế cận với vùng được thay khớp.
- Nhiễm trùng tái phát do vi khuẩn đã tồn tại từ nhiễm trùng khớp.
>> Xem thêm: Chống Chỉ Định Thay Khớp Gối – Bạn Đã Biết Chưa? | 2023
Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật
Việc chẩn đoán nhiễm trùng sau thay khớp có thể dựa vào các dấu hiệu lâm sàng hoặc cận lâm sàng.
Dấu hiệu lâm sàng
Sốt cao sau thay khớp có thể là dấu hiệu nhiễm trùng
Thông thường, ở giai đoạn đầu, việc xác định dấu hiệu nhiễm trùng rất dễ dàng. Bạn có thể tự quan sát và cảm nhận thay đổi của cơ thể để nhận biết các dấu hiệu này.
Bạn hãy báo ngay cho bác sĩ khi gặp một trong các dấu hiệu sau đây:
- Sốt kéo dài (hơn 38°C ở miệng)
- Lạnh run
- Vết thương ở khớp bị sưng nhiều, đỏ, và bị đau khi chạm vào.
- Chảy dịch từ vết thương.
- Vị trí thay khớp bị đau nhiều, kể cả khi bạn hoạt động và nghỉ ngơi.
Dấu hiệu cận lâm sàng
Sau khi phẫu thuật thay khớp được nhiều tháng, vết thương đã liền, bệnh nhân vẫn có thể bị nhiễm trùng. Trong trường hợp này, ngoài một số dấu hiệu lâm sàng như đau ở nơi thay khớp, sốt, ớn lạnh người, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng như:
- Xét nghiệm tổng phân công thức máu: Tăng bạch cầu, bạch cầu đa nhân.
- Tốc độ máu lắng tăng (trên 30mm/giờ đầu)
- CRP-Hs tăng trên 10 mg/l.
- Chọc hút dịch khớp để phát hiện vi khuẩn gây bệnh
- Chụp hình ảnh X-quang, siêu âm.
- Dùng đồng vị phóng xạ để đánh dấu.
- Xạ hình xương
>> Xem thêm: Thay Khớp Gối Sớm Có Thực Sự Cần Thiết Cho Người Trẻ?
Cách xử lý nhiễm trùng sau thay khớp
Việc xử lý, điều trị nhiễm trùng sau thay khớp khá phức tạp. Tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng mà bác sĩ sẽ có các biện pháp xử lý khác nhau.
Trường hợp nhiễm khuẩn nông
Khi vết phẫu thuật của bạn bị nhiễm khuẩn nhẹ, cách điều trị phổ biến là dùng kháng sinh. Bác sĩ sẽ cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ để điều trị kháng sinh phù hợp cho bạn và tiếp tục theo dõi.
Trường hợp nhiễm khuẩn sâu
Với những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sâu, phương pháp điều trị hiệu quả và phổ biến hiện nay là thay khớp lại. Nếu bệnh nhân thể trạng yếu, không thể phẫu thuật thay lại khớp thì giải pháp tốt nhất là tháo khớp nhân tạo.
>> Xem thêm: Khi Nào Nên Thay Khớp Gối? Chỉ Định Phẫu Thuật Thay Khớp Gối
Thay lại khớp một thì
Đây là phương pháp điều trị nhiễm trùng sau thay khớp với tỷ lệ thành công 75% – 80%, thường được sử dụng cho các ca nhiễm khuẩn cấp tính.
Phương pháp này được gọi là thay lại khớp một thì vì bác sĩ sẽ tháo khớp nhân tạo và thay lại khớp trong một lần phẫu thuật.
Phương pháp tiến hành như sau:
- Tháo khớp nhân tạo, cắt lọc, rửa sạch ổ mổ.
- Rửa sạch và tiệt trùng khớp vừa tháo.
- Thay lại khớp hoặc thay khớp mới.
Thay lại khớp hai thì
Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là tại châu Á và khu vực Bắc Mỹ.
Phẫu thuật thay lại khớp hai thì cho kết quả chắc chắn và khả quan hơn phẫu thuật một thì. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật phức tạp, thời gian giữa 2 lần mổ kéo dài và chi phí cao. Bệnh nhân cao tuổi hoặc sức khỏe không tốt sẽ không áp dụng được phương pháp này.
Cách tiến hành điều trị như sau:
Thì 1: Tháo khớp và trám xi măng kháng sinh
- Bác sĩ tiến hành tháo khớp, làm sạch ổ mổ và tiến hành trám xi măng kháng sinh để thay thế tạm thời khớp nhân tạo. Khớp được cố định tạm thời bằng nẹp chỉnh hình. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh trong 4-6 tuần.
Thì 2: Thay lại khớp
- Sau 3-6 tháng, bệnh nhân tới khám định kỳ. Nếu vết mổ liền tốt, các xét nghiệm bạch cầu, CRP, máu lắng cho kết quả bình thường thì sẽ tiến hành phẫu thuật lần 2 để thay lại khớp.
Tháo khớp
- Với những bệnh nhân sức khỏe yếu, không thể phẫu thuật thay lại khớp thì bác sĩ sẽ tiến hành tháo khớp nhân tạo để loại bỏ nhiễm trùng. Không phẫu thuật thay lại khớp háng.
>> Xem thêm: Phẫu Thuật Thay Khớp Gối Bằng Robot Và 3 Điều Lưu Ý Ít Ai Biết
Làm sao để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau thay khớp
Nhiễm trùng sau thay khớp là loại biến chứng nguy hiểm và đòi hỏi quá trình xử lý, điều trị phức tạp. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, bạn cần theo dõi kỹ các dấu hiệu xảy ra với cơ thể và thông báo ngay cho bác sĩ khi thấy các dấu hiệu nhiễm trùng kể trên.
Ngoài ra, việc thăm khám định kỳ sau phẫu thuật là vô cùng cần thiết để bác sĩ có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng sớm. Từ đó, có biện pháp xử lý nhanh chóng, an toàn và ít tốn kém nhất cho người bệnh.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp cho bạn hiểu thêm về nguy cơ nhiễm trùng sau thay khớp và có sự chuẩn bị phù hợp khi quyết định phẫu thuật. Tại Dr. Knee, chúng tôi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cơ-xương-khớp tay nghề cao và tận tâm với bệnh nhân. Nếu bạn muốn được thăm khám và điều trị các bệnh lý liên quan, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và điều trị. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành để cải thiện sức khỏe của bạn.
Tài Liệu Tham Khảo
- Chuyên sâu điều trị thoái hóa khớp gối – DrKnee
- https://bvdklaocai.vn/ung-dung-ro-bot-vao-phau-thuat-than-kinh-va-thay-khop-goi/
- https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/nhiem-trung-sau-thay-khop-hang-nhan-tao/
- https://tuoitre.vn/robot-giup-thay-khop-goi-hai-gio-sau-co-the-tap-di-1273019.htm
- http://bv-phuchoichucnanghanoi.vn/phcn-thoai-hoa-khop-goi-va-thay-khop-goi.html