Một khi có tuổi, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp các triệu chứng đau nhức, vận động khó khăn ở khớp gối và có thể bạn phải thay khớp gối. Và đó có thể do thoái hóa hoặc chấn thương, viêm nhiễm gây nên. Sau chuỗi ngày chung sống hòa bình và dùng thuốc, xoa bóp, tập vật lý trị liệu vẫn không ổn thì bạn nên cân nhắc đến các phương pháp phẫu thuật. Cùng Drknee tìm hiểu thay khớp gối là gì ? qua bài viết sau đây.
Cấu tạo khớp gối
Khớp gối là một khớp lớn của cơ thể và đảm nhận vai trò chính trong nâng đỡ cơ thể và đảm nhiệm chức năng vận động, đi lại. Là nơi tiếp giáp giữa đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và xương bánh chè. Các đầu xương đều được bảo vệ bởi sụn để phòng tránh tổn thương. Sụn ở giữa xương chày và xương đùi có hình chữ C gọi là sụn chêm, giúp bảo vệ cử động khớp.
Bao khớp gắn từ đầu xương đùi đến đầu xương chày, bọc kín ổ khớp. Màng hoạt dịch được lót bên trong có tác dụng tiết dịch, bôi trơn ổ khớp, giảm ma sát và giúp các cử động được linh hoạt. Khớp còn được giữ chắc bởi hệ thống cơ, dây chằng xung quanh, chúng hoạt động nhịp nhàng và tạo nên cử động gập duỗi, đi lại của khớp.
Thay khớp gối là gì?
Thay khớp gối nhân tạo, hoặc thay khớp gối( Knee Replacement) được biết đến như một phương pháp cắt bỏ phần sụn, đầu xương hư hại và thay thế bằng hợp kim có hình dạng và cấu tạo tương tự.
Phần sụn ở diện khớp bị mòn hoàn toàn hoặc nứt vỡ làm khe khớp hẹp, đầu xương cọ xát là nguyên nhân chính gây đau đớn, cứng và mất chức năng khớp gối, nặng hơn thì biến dạng, lệch trục.
Mục đích chính của thay khớp là để loại bỏ đau đớn, khôi phục vận động và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Việc loại bỏ hoàn toàn phần hư tổn sẽ giảm quyết được nguyên nhân gây đau nhức dai dẳng cho bệnh nhân.
Khớp mới cũng cho phép bệnh nhân cử động gập duỗi hay đi lại dễ dàng hơn nhưng không thể khôi phục hoàn toàn khả năng vận động ban đầu.
Chỉ định thay khớp gối nhân tạo
Có nhiều nguyên nhân gây hư tổn khớp gối, từ các bệnh viêm khớp dạng thấp hay thoái hóa khớp gối, chấn thương, tai nạn cũng là tác nhân chính gây nứt, vỡ sụn khớp và nguy cơ hư tổn về sau. Tùy theo đáp ứng với điều trị bảo tồn và mức độ thương tổn của khớp mà bệnh nhân sẽ được tư vấn thay khớp gối nhân tạo.
Phẫu thuật thay khớp gối được đề nghị trên bệnh nhân bị thoái hóa mức độ nặng khi sụn bị ăn mòn hoàn toàn, chận biến dạng lệch trục hoặc trong viêm khớp dạng thấp nhưng biến chứng phá hủy khớp và điều trị bảo tồn, nội khoa, vật lý trị liệu không cải thiện. Các trường hợp dính khớp gối, chấn thương vỡ nát đầu xương vùng này cũng được cân nhắc.
Người bệnh đau nhức, cứng khớp dai dẳng và dữ dội từng đợt mà không giảm sau dùng thuốc và ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc sinh hoạt bình thường không gắng sức. Việc đi lại hoặc đứng lên ngồi xuống cũng khó khăn dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh. Ngủ không yên giấc vì những cơn đau cũng gây nhiều phiền toái
Ngoài các căn bệnh hay gặp gây tổn thương nghiêm trọng là thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp sau chấn thương, thì còn có nhiều rối loạn khác tác động tiêu cực đến khớp gối. Có thể kể đến: Gout, bệnh rối loạn gây biến dạng bất thường ở xương, rối loạn đông máu, hoại tử chỏm vô mạch hoặc biến dạng khớp bẩm sinh,..
Các loại khớp gối nhân tạo
Phân loại khớp gối nhân tạo có thể dựa vào sự liên kết thành phần xương đùi và xương chày. Liên kết ở đây chính là kết nối giữa xương chày với xương đùi khi thực hiện động tác co duỗi của gối. Chúng được giữ vững bằng hệ thống bốn dây chằng: chéo trước, chéo sau, dây chằng bên ngoài và bên trong.
Loại không liên kết (Non-constrained)
Loại khớp gối nhân tạo này sẽ được đặt trong phẫu thuật bảo toàn hệ thống dây chằng liên kết vốn có của bệnh nhân. Việc lựa chọn loại khớp này thường được khuyến khích vì lợi ích mang lại, khả năng vận động khớp không bị ảnh hưởng nhiều và độ bền chắc được đảm bảo.
Loại liên kết một phần (Semi-constrained)
Một khi khả năng gắn kết của dây chằng chéo sau không còn hoặc kỹ thuật thay thế khớp gối đòi hỏi phải loại bỏ thì dây chằng chéo sau được cắt bỏ. Khớp gối được dùng trong trường hợp này sẽ có thêm một khối nhô ở trước ở lớp polyethylene. Phần nhô được tiếp khớp với xương đùi bằng một rãnh có hình hộp chữ nhật, nhờ đó khớp gối vẫn được giữ vững và ổn định.
Khớp gối dạng bản lề (Constrained or hinged)
Người lớn tuổi đã từng thay khớp gối hoặc chức năng nâng đỡ từ hệ thống dây chằng đã quá yếu, loại khớp này được khuyên dùng. Ở đây, phần xương đùi và đầu trên xương chày được gắn kết như cấu trúc bản lề. Không cần sự gắn kết từ các dây chằng, việc kết nối của loại khớp này thực sự bền chắc nhưng khả năng cử động kém, thường cứng khớp và nhanh mòn hơn các loại khớp nhân tạo trên.
Thay khớp gối toàn phần
Khớp gối nhân tạo được cấu thành từ ba yếu tố sau:
- Bộ phận tương ứng để thay mặt tận cùng đầu trên xương chày.
- Một thành phần để thay mặt tận cùng đầu dưới xương đùi
- Thành phần thay thế mặt sau xương bánh chè.
Thay khớp gối toàn phần được đề ra sau khi có bằng chứng tổn thương nặng nề cả sụn và đầu xương dưới sụn ở ổ khớp qua thăm khám lâm sàng và hình ảnh cận lâm sàng. Không chỉ phần sụn chêm hư hại mà cả mặt xương của đầu trên xương chày và đầu dưới xương đùi đều được thay thế. Trước khi tiến hành bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ hư hại, điều kiện sức khỏe và tuổi tác của bạn để tư vấn.
Một đường rạch trước gối khoảng 10-15 cm sẽ được tiến hành sau khi gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống cho bệnh nhân. Qua đây, bác sĩ sẽ thấy ngay xương bánh chè và đẩy qua một bên để bộc lộ phẫu trường. Dây chằng chéo trước là một trong bốn loại dây chằng gắn vào khớp, giúp giữ vững và hỗ trợ chức năng vận động, đặc biệt khi thay đổi các hướng. Sụn chêm và dây chằng này sẽ bị cắt bỏ.
Việc giữ lại dây chằng chéo sau sẽ được cân nhắc tùy trường hợp. Phần thương tổn ở phần xương đùi và xương chày sẽ bị loại bỏ và tạo mặt phẳng. Phần hợp kim gắn vào mặt phẳng này của xương chày có dạng dẹt và được kết hợp thêm một lớp xi măng mỏng chuyên dụng của y tế.
Còn mặt phẳng của xương đùi lại được gán bởi hợp kim có độ cong nhất định. Và hai phần trên được gắn với nhau, có thể cử động nhịp nhàng xoay như một bản lề. Một thành phần với chất liệu polyethylene sẽ chèn vào thay thế cho sụn chêm, nằm giữa hai đầu xương mới, hỗ trợ cho chuyển động khớp linh hoạt và trơn tru hơn.
Thay khớp gối bán phần
Thay khớp gối bán phần( thay khớp gối một ngăn), sẽ được cân nhắc nếu tình trạng hư hại ở khớp không quá nghiêm trọng, phần sụn chưa hao mòn hoàn toàn.
Khớp gối phân thành hai ngăn chính là trong và ngoài. Nếu chỉ một ngăn tổn thương và ngăn còn lại vẫn trong điều kiện tốt sẽ được bảo tồn. Nhờ đó thời gian mổ và hồi phục sẽ nhanh hơn, khả năng cải thiện và tuổi thọ của khớp cũng lâu hơn.
Kỹ thuật thay khớp gối một ngăn sẽ được tiến hành sau đường rạch khoảng 15cm ở mặt trước gối. Ngăn khớp gối hư hại dần được bộc lộ. Mặt khớp của lồi cầu đùi sẽ được thay bằng miếng kim loại tương đương về hình dạng, còn mặt khớp mâm chày sẽ được thay bằng miếng nhựa đúng bằng mặt khớp một ngăn. Bác sĩ sẽ bảo tồn hệ thống dây chằng ở đây.
Ưu điểm lớn nhất so với phẫu thuật thay khớp toàn phần là cuộc mổ nhỏ, ít cắt xương hơn nên ít xâm lấn, hạn chế tối đa thương tổn, cảm giác đau đớn và tình trạng mất máu, biến chứng về sau. Can thiệp ở một ngăn và bảo tồn các ngăn còn lại nên thao tác dễ dàng, ít can thiệp dao kéo sẽ ít nguy cơ hơn, kéo theo đó mô, cơ lành tốt, hồi phục sớm sau mổ, khả năng vận động cũng nhanh chóng cải thiện.
Thay khớp gối giữ lại ACL và không ACL
Anterior Cruciate Ligament (ACL) dây chằng chéo trước, vị trí ở trung tâm mặt trước khớp gối, bám từ mặt trong lồi cầu ngoài xương đùi, đi xuống ra trước và bám vào mâm chày xương chày. Không chỉ giúp giữ vững khớp trong các động tác xoay mà ACL còn hỗ trợ chính mỗi khi co duỗi và thay đổi hướng khi đi lại cho gối.
Có lẽ vì vị trí chắn giữ ngay mặt trước khớp gối mà trong phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, sau khi đẩy xương bánh chè sang bên thì ACL sẽ bị cắt bỏ. Bất kể dây chằng này còn khỏe mạnh hay hư hại. Việc làm này có thể được hiểu với mục đích bộc lộ phẫu trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các thao tác cắt lọc đầu xương sau đó rồi lắp ráp vật liệu thay thế.
Với các thiết kế khớp gối nhân tạo truyền thống thì phần đa phẫu thuật viên sẽ phải cắt bỏ ACL, nhất là khi dây chằng chéo sau PCL còn tốt, khả năng nâng đỡ và chịu lực ổn. Nhưng ngày nay với sự ra đời của thiết bị cấy ghép mới, ACL được giữ lại trong một vài trường hợp và tiếp tục đảm nhiệm chức năng của nó ngay cả sau phẫu thuật.
Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng cảm giác và linh hoạt trong cử động gối tốt hơn ở những bệnh nhân không bị đứt dây chằng chéo trước ACL. Việc giữ vững hệ thống bốn dây chằng cũng giúp nhiều cho quá trình hồi phục ổn định ổ khớp mới sau thay, nhanh chóng lấy lại tầm vận động và phối hợp nhịp nhàng trong các cử động co duỗi. Khớp gối bảo tồn ACL cũng cho cảm giác thật hơn nơi người bệnh.
Thay mặt khớp bánh chè
Thay mặt khớp bánh chè được áp dụng khi mặt khớp bánh chè- đùi bị tổn thương và mài mòn nhiều, dự kiến sẽ làm cản trở sự vận động của khớp sau này, có khả năng ảnh hưởng và gây ra những biến chứng cho người bệnh.
Dựa vào những dấu hiệu trên phim Xquang trước mổ, đánh giá trực quan của bác sĩ lúc làm phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ phần sụn hư hại của xương bánh chè, và lắp vào mặt khớp bánh chè đùi 1 lớp đệm. Lớp đệm làm bằng polyethylene này sẽ bao hết mặt khớp bánh chè đùi, giúp bảo vệ phần tiếp giáp của xương bánh chè với các xương khác, do đó bệnh nhân khi cử động sẽ không bị đau hay hạn chế.
Các loại khớp gối nhân tạo, công ty, nguồn gốc, xuất xứ
Medial pivot
Đây là loại khớp có cấu tạo gần giống với gối tự nhiên nhất. Cả những điểm sinh lý trong chuyển động của lồi cầu trong và ngoài của đầu dưới xương đùi tác động lên mặt sụn đều được nghiên cứu và ứng dụng trong lớp đệm này. Để khi gập gối, lồi cầu ngoài xương đùi di chuyển trước sau trên mặt sụn mới và khi duỗi, đầu dưới xương đùi xoay quanh lồi cầu trong.
- Công ty: công ty Microport
- Xuất xứ: Mỹ
Fixed bearing
Đây là loại khớp được cố định chắc chắn vào phần hợp kim trên đầu trên xương chày. Lớp đệm polyethylene này cho phép thành phần thay thế của đầu dưới xương đùi lăn được trên bề mặt. Giúp tăng khả năng vận động của khớp mới và độ bền lâu dài, phù hợp với hầu hết bệnh nhân trừ những người thừa cân béo phì hoặc tập luyện gắng sức vì sẽ gây hao mòn khớp ít nhiều.
- Công Ty: CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM THIẾT BỊ Y TẾ KI TA PI DA
- Nguồn gốc: Gruppo Bioimpianti S.r.l.
- Xuất xứ: Italy
Mobile bearing
Đây là khớp có thể xoay được và bền chắc nhất trong ba loại. Lớp polyethylene ở đây có thể xoay quanh mâm chày, cho phép các động tác xoay trong xoay ngoài của khớp gối mới được trơn tru và linh hoạt trong điều chỉnh hướng đột ngột lúc đi lại. Chất liệu phải chắc và có trục xoay là điều tiên quyết cần có, hệ thống dây chằng cũng phải vững vàng trong nâng đỡ ổ khớp. Chi phí loại này có hơi đắt.
- Công Ty: CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM THIẾT BỊ Y TẾ KI TA PI DA
- Nguồn gốc: Gruppo Bioimpianti S.r.l.
- Xuất xứ: Italy
Kỹ thuật thay khớp gối khác gì so với thay khớp háng?
Các bước thực hiện thay khớp gối dù là toàn phần hay bán phần đều sẽ trải. Đầu tiên là tạo một đường rạch dọc 10 -15cm mặt trước gối, từ lồi củ xương chày xuống đến trên xương bánh chè. Sau đó bộc lộ và cắt bỏ các phần hư hại.
Cắt lát tạo hình rồi đặt khớp nhân tạo vào thay thế. Lớp xi măng y tế chuyên dụng đều được sử dụng như một chất keo dán cố định các hợp kim gắn vào mặt phẳng vừa cắt gọt. Và bệnh nhân được khuyến cáo ít vận động mạnh để tránh bào mòn xi-măng.
Khác với thay khớp háng, có nhiều đường rạch hơn gồm: đường rạch mổ phía trước, mổ bên hông hoặc phía sau mông. Tùy vào ưu, nhược điểm của từng đường mà bác sĩ sẽ lựa chọn phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Khác biệt nữa là thay khớp háng có thể có xi măng hoặc không, với mục đích kéo dài hạn dùng khớp mới, ngăn ngừa hiện tượng bào mòn và hạn chế đi lại vận động ở bệnh nhân
Cần chuẩn bị gì trước khi mổ thay khớp gối
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật thay khớp gối rất quan trọng để đảm bảo quá trình mổ diễn ra thành công và hồi phục sau mổ tốt hơn.
Thảo luận và nhận tư vấn từ bác sĩ và đội ngủ y tế
- Thảo luận chi tiết về quy trình: Nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật để hiểu rõ quá trình phẫu thuật, rủi ro và kế hoạch hồi phục sau mổ.
- Hiểu biết về thuốc và chế độ dinh dưỡng: Thảo luận về việc dừng hoặc điều chỉnh thuốc hiện tại, cũng như chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật.
Xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe:
- Xét nghiệm máu và thận: Đây là những xét nghiệm quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể trước phẫu thuật.
- Kiểm tra tim mạch và hô hấp: Điều này có thể bao gồm các xét nghiệm như EKG hoặc X-quang phổi.
Tập luyện và chuẩn bị về vận động:
- Tập luyện trước phẫu thuật: Bác sĩ có thể khuyên bạn tập các động tác vận động nhẹ để cải thiện sức khỏe và chuẩn bị cơ thể trước phẫu thuật.
Chuẩn bị tinh thần:
- Tìm hiểu về quá trình hồi phục: Có thông tin chi tiết về quá trình hồi phục sau phẫu thuật sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần và hiểu rõ về những điều có thể xảy ra.
Sắp xếp hỗ trợ sau phẫu thuật:
- Sắp xếp người bạn đồng hành: Có một người thân hoặc bạn bè có thể hỗ trợ bạn trong giai đoạn hồi phục là rất quan trọng.
Chuẩn bị về môi trường sống:
- Chuẩn bị nhà cửa: Có thể cần điều chỉnh nhà cửa để phù hợp với việc di chuyển và hồi phục sau phẫu thuật.
Quan trọng nhất, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và nhóm y tế để đảm bảo chuẩn bị trước phẫu thuật được thực hiện đầy đủ và chính xác. Điều này sẽ giúp quá trình mổ diễn ra suôn sẻ và giảm nguy cơ biến chứng sau mổ.
Tóm lại, trên đây là một lựa chọn tốt cho những ai đã thoái hóa khớp mức độ nặng và không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Vì đây là một kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng và chuyên môn cao, cần được tiến hành tại cơ sở y tế uy tín và đảm bảo. Nếu bạn có bất kỳ trăn trở nào về phẫu thuật thay khớp gối thì có thể tìm đến với phòng khám phòng khám Dr Knee của chúng tôi để được giải đáp và tư vấn nhiệt tình.
Nguồn tài liệu tham khảo:
- Chuyên sâu thoái hóa khớp gối – DrKnee
- https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/knee-replacement/about/pac-20385276
- https://orthoinfo.aaos.org/en/treatment/total-knee-replacement/
- https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/benh-nhan-nao-nen-thay-khop-goi-cac-buoc-thay-khop-goi/
- https://benhvien108.vn/thay-khop-goi-%E2%80%93-nhung-ai-can-phai-mo.htm