Chi phí phẫu thuật khớp háng là một vấn đề thường gặp. Có rất nhiều người bệnh luôn có trăn trở, lo lắng khi được bác sĩ chỉ định thay khớp, một phần vì lo lắng đến sự an toàn, hiệu quả sau phẫu thuật và một phần nữa đó là chi phí phẫu thuật như thế nào, có đủ đáp ứng hay không. Cho nên, bài dưới đây cùng Phòng khám DrKnee tìm hiểu rõ hơn về chi phí phẫu thuật thay khớp háng nhé!
Quy trình phẫu thuật thay thế khớp háng
Phẫu thuật thay khớp háng (Hip Replacement Surgery) là một quy trình ngoại khoa thay thế khớp nhân tạo cho khớp háng bị đau do tổn thương bệnh lý. Phẫu thuật này thường được chỉ định khi có tổn thương ở khớp háng, mà tổn thương này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày, học tập và lao động của người bệnh.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã được ứng dụng và phát triển trong hơn 40 năm, đến nay mỗi năm đã có hàng nghìn ca bệnh được thay khớp thành công. Phẫu thuật thay khớp háng mở ra cơ hội thoát khỏi cơn đau xương khớp dai dẳng cho người bệnh và giúp người bệnh hồi phục các hoạt động vận động bình thường.
Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khá khó nên thường chỉ thực hiện được ở những bệnh viện lớn, với đội ngũ bác sĩ ngoại khoa được đào tạo kỹ lưỡng, giàu kinh nghiệm cùng các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp mới có thể thực hiện thành công ca mổ.
Tiền phẫu
Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng kỹ càng về:
- Tiền sử bệnh, đặc biệt là cần chú trọng ở những người có tiền căn rối loạn đông máu
- Các loại thuốc người bệnh đang dùng, đặc biệt lưu ý đến các thuốc tác dụng lên quá trình đông máu, cần yêu cầu người bệnh tạm ngưng sử dụng thuốc kháng đông trước khi phẫu thuật để phòng tránh các nguy cơ xuất huyết có thể xảy ra.
- Kiểm tra khớp háng, đặc biệt chú ý đến khả năng vận động của khớp và sức cơ các bộ phận xung quanh khớp háng.
- Thực hiện các xét nghiệm sinh hóa máu và các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, CT. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI)
Để quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và thành công, cần nhịn ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường là 8 giờ trước phẫu thuật.
Hút thuốc lá có thể làm cản trở quá trình điều trị các bệnh về xương khớp. Đặc biệt, các chất thuốc lá làm giảm quá trình lành vết thương, lành xương sau phẫu thuật. Cần ngừng hút thuốc lá ít nhất 1 tháng trước phẫu thuật và 2 tháng sau phẫu thuật. Nếu được, khuyên người bệnh nên bỏ thuốc lá.
Không sử dụng đồ uống có cồn trước khi phẫu thuật, các chất này có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
Trong quá trình phẫu thuật thay thế khớp háng
Quá trình phẫu thuật thay khớp háng thường diễn ra trong vòng từ vài chục phút đến khoảng một giờ. Để thay khớp háng, bác sĩ ngoại khoa sẽ thực hiện những bước như sau:
- Rạch da xuyên qua các lớp mô để tiếp cận khớp háng ở phía trước, phía sau mông hoặc bên hông của người bệnh,
- Loại bỏ các xương, sụn bị gãy, hỏng, chỉ giữ lại phần xương, sụn khỏe mạnh và còn nguyên vẹn.
- Tiến hành thay thế chỏm xương đùi bì biến dạng, thoái hóa bằng chỏm xương đùi có chất liệu nhân tạo, gắn vừa với xương đùi của người bệnh.
- Đóng vết mổ và kết thúc quá trình phẫu thuật thay khớp.
Trong thay khớp háng toàn phần, phần xương và sụn bị tổn thương sẽ được cắt bỏ và thay thế chúng bằng các bộ phận cấy ghép thích hợp như:
Chỏm xương đùi bị tổn thương được bỏ và thay thế bằng chỏm kim loại. Chỏm kim loại được đặt vào giữa hõm xương đùi. Chỏm xương đùi có thể được cố định bằng xi măng hoặc “ép chặt” vào xương.
Phần trên chỏm đặt một khối cầu bằng gốm hoặc kim loại. Chỏm xương đùi bị tổn thương đã được loại bỏ được thay thế bởi khối cầu này.
Ổ chảo kim loại được dùng thay thế cho bề mặt sụn đã tổn thương của ổ chảo (ổ cối). Có thể sử dụng xi măng hay đinh vít để cố định ổ chảo.
Miếng đệm bằng nhựa, kim loại hay gốm được chèn vào giữa khối cầu và ổ chảo mới thay thế, có tác dụng tạo bề mặt trơn láng để xương dễ trượt lên nhau.
Sau phẫu thuật khớp háng
Sau quá trình phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh sẽ điều trị nội trú, nằm viện ở khu vực hồi sức tích cực trong vài giờ để thuốc mê hết tác dụng.
Trong thời gian đó, các nhân viên y tế sẽ tiến hành theo dõi mạch, huyết áp, mức độ đau, mức độ tỉnh táo hoặc mức độ thoải mái, hài lòng của người bệnh. Khi tỉnh lại, cần hướng dẫn người bệnh hít thở sâu hoặc thổi vào thiết bị chuyên dụng để tống dịch, đàm ứ đọng ở họng ra khỏi vùng hầu họng và được chuyển về phòng bệnh nội trú.
Hầu hết người bệnh đều phải nằm viện nội trú 1-2 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau khi phẫu thuật có thể được về nhà ngay trong ngày. Trong quá trình nằm tại bệnh viện, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập có thể thực hiện tại nhà để đẩy nhanh quá trình hồi phục, cũng như hướng dẫn các tư thế sinh hoạt nên và không nên thực hiện sau khi phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, vết thương sẽ được khâu lại bằng chỉ khâu. Sau phẫu thuật, khoảng 10 – 14 ngày, người bệnh sẽ được cắt hay tháo bỏ hoàn toàn chỉ khâu. Cần giữ vết thương khô ráo, tránh nước cho đến khi vết thương lành, khô hẳn. Có thể sử dụng băng gạc để băng bó vết thương ngăn ngừa sự kích ứng từ quần áo hay vớ hỗ trợ hoặc ngăn bụi, các chất bẩn dính vào vết thương.
>> Xem thêm: Chăm Sóc Sau Khi Thay Khớp Háng Cần Lưu Ý Những Gì?
Chi phí trong phẫu thuật thay thế khớp háng
Trong bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào, chi phí dành cho một số thủ thuật cơ bản đều phải có:
- Chi phí khám tiền phẫu, hậu phẫu: kiểm tra trước và sau mổ.
- Chi phí cho các xét nghiệm trước và sau phẫu thuật: X-quang, MRI, CT…
- Chi phí nằm viện nội trú, nằm hồi sức tích cực sau phẫu thuật
- Chi phí gây mê, thuốc gây mê: tùy vào loại phẫu thuật, tình trạng người bệnh mà các phương pháp và thuốc gây mê có thể khác nhau. Chi phí dành cho thuốc gây mê thường chiếm phần trăm lớn trong chi phí phẫu thuật.
- Chi phí cho các loại thuốc dùng trong phẫu thuật như: giảm đau, kháng sinh…
- Chi phí cho dụng cụ phẫu thuật: kéo, dao, găng tay và các loại vật tư y tế khác.
- Chi phí cho phòng bệnh, giường bệnh: chi phí này thường phụ thuộc vào lựa chọn của người bệnh.
- Chi phí cho phẫu thuật viên, bác sĩ, nhân viên y tế…
- Các chi phí phát sinh khác trong và sau quá trình phẫu thuật. Các phẫu thuật thay khớp háng thường diễn ra ở những người lớn tuổi, nhiều bệnh nền. Do đó, việc can thiệp kiểm soát tốt các bệnh nền trong quá trình phẫu thuật và hậu phẫu cũng là một việc cần đến khá nhiều chi phí.
Đối với phẫu thuật khớp háng, ngoài chi phí trên còn có các chi phí riêng. Chi phí thay khớp háng nhân tạo thường bao gồm 2 chi phí chính đó là:
- Chi phí cho ca phẫu thuật thực hiện thay khớp.
- Chi phí để mua một khớp háng nhân tạo.
Thực tế, chi phí thay thế khớp háng nhân tạo ở người bệnh khác nhau thường khác nhau. Sự chênh lệch chi phí phụ thuộc theo loại khớp háng nhân tạo được sử dụng (các loại khớp háng nhân tạo rất đa dạng ví dụ như Stryker, Depuy, Zimmer, Spiron… của Mỹ, Đức) và chất lượng bệnh viện, cơ sở y tế mà người bệnh chọn để thực hiện phẫu thuật.
Khớp háng nhân tạo là một vật tư cấy ghép y tế đắt tiền. Tại Việt Nam, các loại khớp háng khác nhau thường có giá dao động rất lớn. Đối với khớp háng toàn phần, dùng cho mổ thay khớp háng lần đầu, rẻ nhất có giá khoảng 50 triệu đồng và giá thành có thể lên đến 150 triệu đồng. Các loại khớp háng chuyên biệt dùng cho các lần mổ thay lại hay các trường hợp u xương thì chi phí sẽ cao hơn.
Chi phí giữa các loại khớp có sự khác biệt như vậy dựa trên các điểm chính sau:
- Thiết kế của khớp háng khác nhau
- Vật liệu để tạo ra khớp
- Cơ sở sản xuất, nước sản xuất khớp
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải khớp đắt tiền mới tốt và khớp rẻ tiền thì không. Mỗi loại khớp được thiết kế cho từng trường hợp bệnh lý khác nhau và từng cá thể người bệnh khác nhau. Nhân viên y tế phẫu thuật là người tư vấn để người bệnh đưa ra lựa chọn loại khớp phù hợp nhất cho phẫu thuật của bản thân, làm sao cân đối giữa hiệu quả và kinh tế.
Theo các chuyên gia, tổng chi phí một ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo thường dao động từ 80 – 90 triệu Việt Nam đồng. Trong đó 30 – 40 triệu đồng là chi phí dành để mua khớp háng nhân tạo. Hiện nay, sự phát triển của y học và công nghệ hiện đại đã đem đến các loại khớp háng nhân tạo với chất liệu rất tốt và tất nhiên là giá thành của chúng rất cao.
Một vấn đề lớn của phẫu thuật này là giới hạn tuổi thọ của khớp nhân tạo. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, thời gian sử dụng của các loại khớp hiện nay thường từ 20 năm trở lên và sau đó người bệnh phải tiến hành thay một khớp mới.
Ngoài ra, còn có chi phí tập luyện vật lý trị liệu sau phẫu thuật: có thể bao gồm chi phí cho máy móc, thiết bị và cho bác sĩ hướng dẫn tập luyện.
>> Xem thêm: [Cập nhật 2024] Chi Phí Thay Khớp Nhân Tạo Là Bao Nhiêu?
Chi phí phẫu thuật khớp háng nếu có Bảo hiểm y tế
Có thể thấy, chi phí thay khớp háng nhân tạo là khá cao và điều này có thể trở thành gánh nặng kinh tế cho nhiều bệnh nhân và gia đình. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm lo lắng về mức giá phẫu thuật thay thế một khớp háng nhân tạo nếu có bảo hiểm y tế. Nếu người bệnh có Bảo hiểm y tế thì mức chi trả sẽ thấp hơn và tùy vào loại BHYT mà người bệnh sử dụng. Thông thường bảo hiểm y tế sẽ chi trả từ 80-90% chi phí ca phẫu thuật. Người bệnh thường sẽ chỉ phải trả thêm khoảng 5-10 triệu đồng cho một ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.
Phẫu thuật thay khớp háng mang lại nhiều thành công và ngày càng phổ biến. Phẫu thuật thay khớp giúp người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức, phục hồi khả năng vận động của khớp bình thường. Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm là dễ gây mòn khớp, tiêu xương do phản ứng sinh học. Tuy nhiên, người bệnh không cần quá lo lắng về mức giá thay thế một khớp háng nhân tạo nếu có bảo hiểm y tế.
Thay thế khớp háng miễn phí
Vì chi phí dành cho 1 ca phẫu thuật khớp háng là khá cao, do đó có nhiều bệnh viện cũng như các tổ chức thường xuyên tổ chức các chương trình thay khớp háng miễn phí, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong kinh tế có thể tham khảo các chương trình này. Một số chương trình phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối miễn phí được tổ chức trong hơn 1 thập kỷ qua như sau:
Năm 2011, Chương trình thay khớp gối, khớp háng miễn phí do Tổ chức Operation Walk (OW-Hoa kỳ) và Bệnh viện 108 phối hợp tổ chức. Theo mục tiêu chương trình, các bác sĩ sẽ thực hiện thay khớp háng, khớp gối cho những người bệnh từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý thoái hóa khớp háng, khớp gối đã được điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả và tình trạng thoái hóa nặng ảnh hưởng đến chức năng đi lại của người bệnh. Người bệnh chỉ cần trả viện phí cho các xét nghiệm còn chi phí thay thế khớp thì hoàn toàn miễn phí.
Tháng 10/2018, Tổ chức OW cũng hợp tác với Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng, phẫu thuật thành công cho hơn 20 người bệnh, đem lại nhiều niềm vui cho họ.
Năm 2019, Bệnh viện Quân Y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã phối hợp với tổ chức Operation Walk (Hoa kỳ) phẫu thuật miễn phí cho 50 người bệnh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo.
Tổ chức Operation Walk được thành lập vào năm 1996, ở Hoa Kỳ. Đây là một tổ chức được thành lập nhằm mục đích phẫu thuật từ thiện thay khớp gối, háng cho các bệnh nhân nghèo. Tính đến nay, OW đã thực hiện thành công 10000 ca phẫu thuật cho người bệnh nghèo và thực hiện chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến cho 25 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kết luận
Nhiều người bệnh có xu hướng tìm đến các phương pháp cổ truyền dân gian thay vì phẫu thuật thay khớp mà thực sự không nắm rõ được rủi ro, nguy cơ của các phương pháp ấy mang lại. Nền Y học cổ truyền của Việt Nam thì có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển, gặt hái được rất nhiều thành tựu. Các thành tựu đó đã được ghi nhận và kiểm chứng xác minh bằng khoa học
Có những trường hợp đã bị tổn thương khi điều trị theo phương pháp dân gian. Do đó, ở những người bệnh sử dụng phương pháp cổ truyền cần phải theo dõi rất kỹ và sát sao. Khi có vấn đề xảy ra, cần đến bệnh viện và kiểm tra sớm.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp phải dựa trên các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của từng đối tượng người bệnh để thiết lập một kế hoạch điều trị cụ thể. Phẫu thuật thay khớp háng cũng đã ra đời từ rất lâu, và đã giúp được rất nhiều người khỏi đau dai dẳng và đi lại bình thường. Vì thế nếu có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh nên thực hiện phẫu thuật, các cơ quan y tế sẽ có biện pháp hỗ trợ chi phí để người bệnh chỉ cần trả mức thấp nhất có thể là 10 – 20% chi phí mà thôi.
Ngoài ra, người bệnh có thể tìm hiểu, tham khảo các chương trình phẫu thuật thay thế khớp háng miễn phí tại các bệnh viện.
Hy vọng những thông tin mà DrKnee chia sẻ trên đây giúp các bạn có đủ kiến thức hiểu biết về chi phí để phẫu thuật khớp háng. Để được tư vấn và thăm khám về các tình trạng sức khỏe của bạn, bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại đây: Phòng khám DrKnee, website: https://drknee.vn/.