Thoái hoá khớp háng là căn bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Bệnh tiến triển chậm, kéo dài nhiều năm tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết hôm nay của Phòng Khám DrKnee sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về bệnh thoái hoá khớp háng.
Thoái hoá khớp háng là gì?
Thoái hoá khớp háng là hậu quả của việc mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại sụn, dẫn đến sụn khớp háng bị bào mòn theo thời gian gây ra các cơn đau dai dẳng và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Thoái hoá khớp háng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Gây ra các cơn đau kéo dài ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây rối loạn lo âu và trầm cảm
- Teo cơ và dây chằng ở vùng cạnh khớp háng
- Nứt và gãy xương hông
- Biến dạng cấu trúc khớp, làm mất khả năng đi lại của người bệnh
>> Xem thêm các bệnh về khớp và thoái hóa khớp gối.
Tại sao khớp háng dễ bị thoái hoá?
Khớp háng là một trong những khớp lớn nhất của cơ thể. Khớp háng gồm 2 thành phần chính: chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu. Mặt trước và mặt sau khớp là hệ thống dày đặc mạch máu và bó mạch thần kinh đùi, mông.
Nằm ở nơi tiếp giáp giữa xương đùi và xương chậu, khớp háng không chỉ là điểm trụ trung tâm cho các cử động của các bộ phận, mà còn phối hợp với khớp chậu và khớp gối làm trụ đỡ cho cả cơ thể. Do đó các hoạt động của cơ thể ít nhiều đều có ảnh hưởng đến khớp háng.
Thoái hoá khớp háng xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi do cơ chế bào mòn tự nhiên của sụn khớp. Tuy nhiên khớp háng còn bị ảnh hưởng bởi lối sống sinh hoạt, môi trường và các bệnh lý xương khớp. Vì vậy thoái hoá khớp háng đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá.
Phân loại thoái hoá khớp háng
Dựa theo nguyên nhân, thoái hoá khớp háng được chia thành 2 loại:
– Thoái hoá khớp háng nguyên phát: thoái hoá liên quan đến độ tuổi. Thoái hoá khớp háng nguyên phát hay gặp ở người từ 60 tuổi trở lên.
– Thoái hoá khớp háng thứ phát: do bất thường bẩm sinh (thiếu sản khớp háng, trật khớp), sau chấn thương (trật khớp háng, gãy xương hông, gãy cổ xương đùi,…), hoạt động thể lực cường độ cao.
Biểu hiện của thoái hoá khớp háng
Đau
Đau là triệu chứng thường gặp nhất ở các bệnh nhân bị thoái hoá khớp háng.
Tuỳ từng giai đoạn bệnh tính chất đau do thoái hoá khác nhau:
- Giai đoạn đầu: bệnh nhân chủ yếu bị đau ở vùng bẹn ra mặt trước đùi, sau đó sẽ lan dần xuống đùi sau, mông và đầu gối. Đau xuất hiện khi bệnh nhân đứng quá lâu hoặc vận động mạnh.
- Giai đoạn sau: bệnh nhân cảm thấy đau mỏi phần háng khi thay đổi tư thế đột ngột (đang ngồi đứng dậy), bước lên xuống cầu thang, hoặc ngồi xổm. Bệnh nhân đau nhiều về sáng sớm và sau khi thức dậy.
- Giai đoạn muộn: đau xuất hiện khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi, bệnh nhân mất khả năng gấp hoặc dạng háng, xoay người, đau nhiều về đêm và thời điểm chuyển mùa.
Đặc biệt các cơn đau xuất hiện về đêm kéo dài ảnh hưởng đến giấc ngủ của bệnh nhâu, lâu dần có thể dẫn đến mất ngủ và rối loạn lo âu.
Bất thường vận động
Bệnh nhân bị thoái hoá khớp háng sẽ khó thực hiện các động tác như xoay khớp háng, ngồi xổm, dạng chân, không nhấc chân lên được. Khi thoái hoá nặng, đau nhiều khiến bệnh nhân thay đổi dáng đi, đi khập khiễng. Ngoài ra, do khớp háng hạn chế vận động, phần cơ vùng đùi và mông teo dần theo thời gian, dẫn đến bệnh nhân có thể mất hoàn toàn khả năng vận động nếu không được điều trị kịp thời.
Tràn dịch
Thông thường bệnh nhân khó nhận biết triệu chứng của tràn dịch khớp háng. Khi các dấu hiệu tràn dịch xuất hiện rõ rệt thì tổn thương đã trở nên nghiêm trọng. Các dấu hiệu của tràn dịch khớp háng bao gồm:
- Vùng khớp háng đau nhức và sưng viêm
- Vùng da xung quanh khớp có sắc đỏ hơn vùng xung quanh, sờ có hơi ấm nóng, cảm giác mềm khi ấn
- Gây đau nhức khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi vận động và đi lại
- Ngoài ra có thể gây tổn thương đến các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân,…
Cứng khớp
Cứng khớp thường gặp ở các bệnh nhân thoái hoá khớp háng do hoại tử chỏm. Triệu chứng cứng khớp xuất hiện vào buổi sáng, sau khi bệnh nhân tỉnh dậy, xuất hiện thường xuyên hơn khi thời tiết ẩm thấp hoặc se lạnh, hoặc sau khi bệnh nhân không vận động sau một thời gian dài như nằm hoặc ngồi lâu. Cứng khớp do thoái hoá khớp háng khác với viêm khớp dạng thấp, thường kéo dài không quá 30 phút, triệu chứng sẽ giảm sau khi bệnh nhân thực hiện một số cử động nhẹ khớp háng.
>> Xem thêm về thoái hóa khớp gối và biểu hiện thoái hóa khớp gối.
Các biện pháp chẩn đoán thoái hoá khớp háng
Triệu chứng lâm sàng
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể sơ bộ chẩn đoán tình trạng thoái hoá khớp háng cho bệnh nhân
- Tình trạng sưng, đau khớp háng, các dấu hiệu tổn thương cơ, gân, dây chằng quanh hông
- Đánh giá khả năng vận động: nghiệm pháp xoay khớp háng, nghiệm pháp Patrick dương tính
Xét nghiệm hình ảnh
X-quang
Giúp phát hiện các dấu hiệu hẹp khe khớp (khe khớp hẹp không hoàn toàn, không đồng đều), đặc xương dưới sụn (xương dưới sụn viền đậm không đều) và gai xương (gai xương mọc ở phần rìa đầu xương, nơi tiếp giáp giữa xương và sụn).
Bên cạnh các tổn thương khớp do thoái hoá, chụp X-quang còn phát hiện được các tổn thương cũ gây thoái hoá như gãy xương chậu, gãy cổ xương đùi.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp CT scan và MRI cho phép chẩn đoán chính xác hơn các tổn thương rất nhỏ mà trên phim X-quang khó có thể phát hiện. Chụp MRI có thể quan sát khớp háng trong không gian 3 chiều và rõ hơn CT scan nên thường được sử dụng rộng rãi hơn. Chụp MRI có thể phát hiện được các tổn thương dây chằng, màng hoạt dịch, sụn khớp, xương dưới sụn, tủy xương, khoang khớp và mô quanh khớp.
Nội soi khớp háng
Nội soi là phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán thoái hoá khớp. Nội soi khớp háng không chỉ giúp đánh giá chính xác về tình trạng và khu trú vị trí tổn thương mà còn phân tích được mức độ calci hoá của sụn khớp. Ngoài mục đích chẩn đoán, nội soi khớp háng còn có vai trò trong điều trị: cấy ghép sụn khớp, loại bỏ dị vật ở khớp háng, cắt bỏ gai xương, chồi xương,…
Phân độ thoái hoá khớp háng
- Độ 1: Khớp háng bị mòn và rách nhẹ, xuất hiện các gai xương nhỏ, bệnh nhân thường không đau hoặc ít đau.
- Độ 2: Sụn bắt đầu bị vỡ, sự phát triển của gai xương phát hiện được trên X-quang. Các triệu chứng bao gồm đau, khó chịu và cứng ở hông.
- Độ 3: Lớp sụn bắt đầu bị bào mòn, khoảng cách giữa xương hông thu hẹp lại. Các hoạt động thường ngày như đi lại, đứng lên ngồi xuống khiến bệnh nhân đau và sưng tấy.
- Độ 4: Phần sụn vùng khớp háng hầu như không còn, dẫn đến các tình trạng viêm nhiễm mạn tính. Bệnh nhân xuất hiện đau và cứng khớp mọi lúc.
Điều trị thoái hoá khớp háng
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị thoái hoá khớp háng. Các phương pháp chính bao gồm biện pháp không dùng thuốc, biện pháp dùng thuốc và phẫu thuật.
Biện pháp không dùng thuốc
Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để cải thiện tính linh hoạt của khớp háng. Tránh mang vác đồ vật nặng và vận động mạnh. Nên tập các bài tập có tác động nhẹ lên khớp háng như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe.
- Duy trì cân nặng ổn định để giảm áp lực lên khớp háng
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh: bổ sung các thực phẩm có lợi cho khớp (các loại hạt, rau xanh, cá nước lạnh…) và tránh đồ uống có cồn, thực phẩm chứa nhiều đường và dầu mỡ.
- Bổ sung các thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị xương khớp
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu phù hợp cho bệnh nhân thoái hoá khớp giai đoạn sớm. Tập vật lý trị liệu giúp tăng cường lưu thông máu đến khớp háng và tăng khả năng vận động của khớp.
Biện pháp dùng thuốc
Thuốc giảm đau là lựa chọn đầu tay để giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh.
- Trường hợp bệnh nhân thoái hoá khớp nhẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen, ibuprofen,…
- Trường hợp thoái hoá khớp nặng, bệnh nhân cần dùng đến thuốc giảm đau opioid như tramadol.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm nội khớp corticosteroid, acid hyaluronic hoặc huyết tương giàu tiểu cầu cho bệnh nhân.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được cân nhắc khi khớp bị biến dạng, bệnh nhân bị hạn chế vận động nặng mà các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc không còn tác dụng.
Các loại phẫu thuật trong điều trị thoái hoá khớp háng bao gồm:
– Tái tạo bề mặt chỏm xương đùi: phương pháp được chỉ định cho trường hợp thoái hoá khớp háng giai đoạn sớm.
– Phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp háng
- Thay khớp háng một phần: được chỉ định khi có tổn thương một phần khớp và lớp sụn bị bào mòn.
- Thay khớp háng toàn bộ: được chỉ định cho bệnh nhân thoái hoá khớp háng giai đoạn nặng (khó khăn vận động trong lúc nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài), bệnh nhân có các bệnh lý ảnh hưởng đến khớp háng (viêm khớp dạng thấp, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi,…), bệnh nhân trên 60 tuổi.
Bệnh thoái hoá khớp háng mặc dù không thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên nếu phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt các triệu chứng, bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Hi vọng bài viết hôm nay của DrKnee đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về bệnh thoái hoá khớp háng.
>> Xem thêm: Thoái Hóa Khớp Có Chữa Được Không? Cách Giảm Đau Khớp Nhanh Chóng