Bạn đã biết gì về bệnh thoái hóa khớp chưa? Một sớm mai thức dậy như bao ngày, lưng bạn đau, gối bạn cứng, cổ tay cổ chân cứng ngắc khó xoay trở. Lâu lâu thoáng thấy những cơn đau mơ hồ ập đến khiến vận động dần khó khăn. Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu trên thì cùng phòng khám DrKnee tìm hiểu đôi điều tổng quan về căn bệnh đeo bám tuổi trung niên này – Thoái hóa khớp hay còn gọi là Thoái hóa xương khớp.
Thoái hóa khớp là gì?
Khái niệm về thoái hóa khớp hay còn gọi là thoái hóa xương khớp được hiểu là sự thoái hoá theo thời gian của các thành phần của ổ khớp do sự tổng hợp không theo kịp tình trạng phá huỷ của sụn và xương dưới sụn. Dần dần, khe khớp hẹp lại, các sụn và đầu xương tiếp xúc, cọ sát nhau gây đau nhức, chất hoạt dịch giảm tiết cũng làm cử động khớp thêm phần khó khăn.
Biểu hiện/Triệu chứng
Là căn bệnh diễn tiến từ từ, các dấu hiệu đều khá mờ nhạt cho đến khi những triệu chứng ngày một rõ ràng, ảnh hưởng vận động thì người bệnh mới chú ý. Ở mỗi vị trí khớp bị thoái hóa lại có những hạn chế riêng và biểu hiện đặc thù. Nhưng nhìn chung các triệu chứng sau đều gặp trong thoái hóa khớp:
- Đau: Đây là cảm giác đau nhức, khó chịu vùng khớp, thường xuất hiện sớm. Giai đoạn đầu có thể mơ hồ, chỉ xuất hiện khi vận động quá sức hoặc thời tiết trở lạnh. Dấu hiệu này xuất hiện khi khe khớp hẹp dần, diện khớp bị tổn thương, gai xương hình thành. Đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi hoặc xoa bóp, chườm lạnh.
- Cứng khớp: Bệnh nhân có thể mất một thời gian để cố gập duỗi, cử động khớp mỗi sáng thức dậy. Khớp thường bị cứng sau một đêm dài bất động, có thể nhanh qua chỉ tầm 30 phút để lấy lại trạng thái bình thường.
- Hạn chế vận động: Người bệnh thường ngại cử động để tránh đau đớn do sụn tổn thương. Tình trạng hẹp khe khớp giới hạn phần nào tầm hoạt động của khớp, gấp duỗi hạn chế. Về lâu dài, lực cơ xung quanh giảm vì ít được vận động, cử động khớp lại càng khó khăn hơn.
- Tiếng động bất thường: có thể nghe tiếng “ lắc cắc”, “ lục cục” tại khớp khi cử động vì sự va chạm của diện khớp khi khoảng cách các đầu xương với nhau dần thu hẹp, chất hoạt dịch ít dần.
- Biến dạng: vì sự thiếu hụt dịch khớp cùng sự thu hẹp khe khớp, các dây chằng và cân cơ lỏng lẻo và cơ xung quanh co kéo dẫn đến di lệch đầu xương, diện khớp sai lệch, hình dạng của khớp có thể bị biến đổi so với ban đầu. Và để hạn chế đau đớn mà khi vận động, chúng ta sẽ dùng những tư thế mới sai khác với tư thế cơ năng vốn có của khớp đau.
- Teo cơ: Việc đau và hạn chế vận động làm bạn rất ngại cử động các khớp, và lâu dần làm cho các cơ ở xung quanh đây yếu và teo dần. Sức cơ giảm có thể được cải thiện bằng tập luyện và xoa bóp.
Hình ảnh khớp bị thoái hóa
Khi triệu chứng lâm sàng chỉ mơ hồ thì các biến đổi rất khó nhìn thấy trên phim Xquang. Lớp sụn chưa thương tổn nhiều vì chất hoạt dịch được tiết ra vẫn đủ nuôi dưỡng, bôi trơn ổ khớp. Có thể chưa phát hiện bất thường trên phim. Một khi gai xương nhỏ thành hình, lúc cử động nhiều, mô xung quanh sẽ cọ vào gây đau.
Còn khi sụn khớp hao mòn nhiều hơn, khe khớp giữa các đầu xương thu hẹp và gai xương ngày càng lớn và rõ trên phim. Các cơn đau sẽ thường xuyên và hạn chế cử động ít nhiều ở bệnh nhân. Trường hợp nặng bề mặt sụn có thể nứt vỡ, khe khớp hẹp lại, xương bắt đầu lộ ra và tiến gần đến đầu xương đối diện. Xương dưới sụn có thể dày lên, chất hoạt dịch ít gây hiện tượng cứng khớp, hạn chế cử động.
Phân độ, phân loại
Phân loại:
Thoái hóa khớp sẽ được phân loại theo vị trí. Với những đối tượng khác nhau thì tỷ lệ mắc từng loại thoái hóa khớp sẽ không giống nhau. Hai loại thường gặp nhất là thoái hóa khớp háng và khớp gối. Các khớp nhỏ cũng có thể bị dưới ảnh hưởng của tuổi tác, tư thế vận động, dinh dưỡng, bệnh lý, chấn thương. Đó là thoái hóa cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp ngón chân, gót chân, khớp bàn tay,..
Phân độ:
Phân độ thoái hóa khớp trên phim X- quang: theo Kellgren và Lawrence (1987):
- Giai đoạn 1: Nghi ngờ xuất hiện gai xương hoặc có nhũ xương nhỏ
- Giai đoạn 2: Thấy rõ hình ảnh gai xương
- Giai đoạn 3: Khe khớp thu hẹp mức độ vừa
- Giai đoạn 4: Khe khớp hẹp nhiều, có hoặc không hiện tượng đặc xương dưới sụn
Phân độ tổn thương sụn khớp theo Outerbridge:
- Độ 0: Sụn khớp còn bình thường.
- Độ 1: Sụn khớp bắt đầu phù nề, có khi mềm mại hơn, đổi sang màu vàng..
- Độ 2: Giảm bớt bề dày sụn khớp và hình thành vết nứt rải rác trên bề mặt.
- Độ 3: Vết nứt ngày càng sâu, dần ngang mức dưới sụn.
- Độ 4: Bề dày sụn khớp mất hẳn làm lộ ra phần xương dưới sụn.
Dấu hiệu trên cls
Chụp X-quang khớp thường quy
Có 3 dấu hiệu cơ bản:
- Hẹp khe khớp: hẹp không đồng đều, không hoàn toàn tại khe khớp.
- Đặc xương dưới sụn: xương dưới sụn viền đậm không đều.
- Gai xương: gai xương ở phần rìa đầu xương, nơi tiếp giáp giữa xương và sụn.
Siêu âm khớp
Đánh giá tình trạng gai xương, tràn dịch khớp, hẹp khe khớp, đo độ dày sụn khớp, màng hoạt dịch khớp, phát hiện các mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp và tình trạng gân xương cạnh khớp.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Chụp cộng hưởng từ MRI là 1 phương pháp hiện đại sử dụng từ trường và sóng radio để đưa ra những hình ảnh khảo sát các thành phần của ổ khớp như: bao hoạt dịch, tổn thương xương, sụn, dây chằng, gân cơ, tổ chức phần mềm quanh khớp. Giúp ta nhận biết được các tổn thương cho dù là nhỏ nhất tại các cấu trúc này mà các phương pháp khác bỏ sót.
Nội soi khớp
Nội soi khớp đang là 1 phương pháp đang được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh về khớp và đặc biệt là khớp gối. Bác sĩ sẽ đưa 1 camera vào trong khớp gối và camera sẽ cho ta hình ảnh cấu trúc khớp gối qua màn hình. Qua đó bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tổn thương mà bệnh nhân mắc phải mà cách phương pháp như X quang, siêu âm, MRI không chẩn đoán được.
Ngoài ra nội soi cũng là 1 phương pháp điều trị an toàn đối với các bệnh lý như: bệnh lý viêm sụn tách rời, phẫu thuật gãy xương đơn giản vùng mâm chày hay bánh chè, viêm khớp dạng thấp, đau khớp do thoái hoá …
Thoái hóa khớp- bệnh của người già
Thoái hoá xương khớp là bệnh lý phổ biến hiện nay, nhất là ở độ tuổi trung niên. Nếu ta ví khớp của mình như 1 bộ máy thì chúng đã làm việc quần quật trong suốt nhiều năm và khi tới tuổi già thì bộ máy này không còn hoạt động trơn tru nữa. Theo 1 nghiên cứu tại mỹ cho biết thì cứ 10 người > 55 tuổi thì có 8 người có các dấu hiệu của thoái hoá xương khớp.
Bởi lẽ tuổi càng cao, khả năng tổng hợp sụn ngày càng giảm. Đồng thời sau tuổi trưởng thành, khả năng tạo mới của tế bào sụn và tái tạo sau tổn thương cũng không còn. Việc duy trì chế độ ăn thiếu canxi, vitamin và chế độ sinh hoạt, vận động sai tư thế hoặc gắng sức cùng các bệnh mạn tính như Đái tháo đường, Gout, lạm dụng Corticoid nhiều ở những người lớn tuổi đều là nguyên nhân gây bệnh.
Đây là 1 bệnh lý ảnh hưởng rất nặng nề tới chất lượng cuộc sống của con người, nhất là những người lớn tuổi đã và đang chung sống với nhiều vấn đề sức khỏe. Việc đau nhức dai dẳng và hạn chế vận động cùng nhiều biến chứng biến dạng chi, teo cơ đều gây ảnh hưởng chất lượng sống. Do đó ta cần quan tâm hơn tới sức khỏe của mình, nhất là những người đang trong độ tuổi trung niên
Thoái hóa khớp đang dần trẻ hóa
Thoái hóa khớp đang dần trẻ hóa và thường gặp hơn ở người trẻ tuổi. Phải chăng do việc giữ nguyên một tư thế trong nhiều giờ, hoặc vận động sai khác với trục và góc độ mà khớp có thể chịu đựng khi mang vác vật nặng nặng, chấn thương khớp trong chơi thể thao hoặc tai nạn, luyện tập thể thao quá mức… Tất cả đều gây áp lực lên diện khớp và tăng nguy cơ bào mòn sụn.
Đau nhức xương khớp còn hay gặp ở người thừa cân béo phì vì trong lượng cơ thể nặng tạo ra nhiều áp lực đè nén lên khớp của bạn. Và hiện nay người trẻ thừa cân đang có tỉ lệ rất cao với lối sống lạm dụng đồ ăn nhanh, thức uống ngọt, giàu chất béo, bỏ ngỏ việc luyện tập thể dục thể thao. Do đó mỗi con người trong chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất, bổ sung canxi, vitamin…
Trọng lượng cơ thể cần duy trì ở mức thích hợp, tăng cường vận động, tập luyện vừa phải giúp cơ bắp khỏe mạnh vừa giúp máu huyết lưu thông dễ dàng, dinh dưỡng cho sụn khớp được đầy đủ hơn.Có cơ bắp khỏe mạnh giúp giảm tải áp lực đè ép lên khớp xương trong vận động. Ngoài ra việc giữ cho cơ thể thẳng giúp cho xương khớp được bảo dưỡng tốt hơn, tránh cho việc đè ép gây tổn thương khớp
Hoại tử chỏm xương đùi ở thiếu niên
Hoại tử vô mạch hay còn gọi là hoại tử chỏm xương đùi vô trùng dùng để chỉ hiện tượng nguồn cấp máu cho mô xương bị gián đoạn từ từ gây tổn thương và chết dần mô xương đó. Về lâu dài, tạo ra các ổ khuyết xương và sau cùng là tình trạng phá hủy sụn và xương.
Nguyên nhân có thể kể đến chấn thương hoặc không nhưng tác động ít nhiều đến mạch máu nuôi dưỡng mô xương. Hoại tử chỏm xương đùi rất hay gặp ở thiếu niên, đặc biệt là lứa tuổi từ 4- 10 tuổi và tỉ lệ mắc ở bạn nam cao gấp 5 lần các bạn nữ.
Cụ thể như ở hoại tử vô trùng chỏm xương đùi, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì. Chỉ khi trở nặng, mô xương thiếu máu nuôi, các cơn đau có thể ập đến. Rõ nhất là đau nhức vùng mông và háng, đôi khi lan xuống đùi. Có thể đau một hoặc cả hai bên khớp háng, đau tăng khi vận động, đứng lâu, có thể kể cả khi nghỉ ngơi.
Khi để bệnh diễn tiến mà không phát hiện và kịp thời xử trí, khớp háng có thể bị đau dữ dội hơn và khó khăn trong vận động thông thường, hạn chế cử động xoay, dạng, bước đi thay đổi, dáng khệp khiễng hoặc đi lết. Cần thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường để bệnh không trở nặng và kéo theo các biến chứng khác.
Điều trị thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp ngày càng phổ biến, không chỉ ở lứa tuổi trung niên mà ngày càng trẻ hóa. Sụn khớp tổn thương, gai xương hình thành là không thể thay đổi và nhưng không phải không có cách chữa trị thoái hóa khớp. Nhiều cách thức được đưa ra để hạn chế thương tổn và thuyên giảm triệu chứng cho tình trạng thoái hóa khớp tùy theo mức độ.
Thay đổi lối sống
Mục đích là giảm thiểu áp lực lên diện khớp, giảm đau và tăng sức cơ.
Cần tuân thủ thực đơn dinh dưỡng nhiều Canxi, protein, vitamin,.. để cung cấp nguyên liệu tái tạo dịch giúp ổ khớp hoạt động trơn tru, không dùng bia rượu, đồ ăn dầu mỡ. Với những ai thể trạng thừa cân thì nên đặt mục tiêu cân đối vóc dáng, để tránh đè nặng lên các khớp, tạo áp lực lên những khớp chống đỡ như khớp háng, gối.
Tăng cường các bài tập tăng sức cơ toàn bộ, vận động linh hoạt các nhóm cơ trong các môn thể thao kết hợp giúp khớp linh hoạt, tránh teo cơ sau này. Để ý tư thế khi ngồi lâu, đứng và tư thế lúc làm việc, đảm bảo giữ cột sống thẳng, không cong duỗi quá mức các khớp, ví dụ như dân văn phòng cần ngồi đúng không cúi quá hoặc gù lưng khi ngồi máy tính. Tránh bị va chạm và chấn thương các khớp.
Vật lý trị liệu
Có thể tìm đến đông y để tập vật lý trị liệu, châm cứu hay đắp thuốc giúp giảm đau hiệu quả, kích thích huyệt đạo và lấy lại tầm vận động khớp, sức cơ như bình thường khi tham gia bài tập, xoa bóp, kích điện, thủy châm,..
Điều trị thuốc
* Dùng thuốc:
Thuốc bôi tác dụng tại chỗ, ít tác dụng phụ như Gel Diclofenac,..
Nhóm giảm đau thường dùng là Acetaminophen đại diện là Paracetamol, dễ sử dụng, hiệu quả tốt ở đau nhẹ và vừa.
Nhóm NSAIDs, vừa kháng viêm vừa giảm đau, dùng khi Paracetamol không hiệu quả, thận trọng cho bệnh nhân viêm dạ dày, Meloxicam, Celecoxib.
Thuốc làm chậm quá trình thoái hóa và nuôi dưỡng sụn khớp: hai thuốc thường thấy là Glucosamine sulphate và Diacerein.
Các sản phẩm bổ sung protein như PEPTAN giúp bồi dưỡng phục hồi xương, kích thích tạo sụn Vd Jex Max
Tiêm nội khớp
Tiêm corticoid: có tác dụng giúp giảm đau và tăng độ linh hoạt của khớp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên phương pháp này không nên sử dụng trong thời gian dài vì làm tăng nguy cơ mất sụn
Tiêm chất nhờn hyaluronic: giúp bổ sung dịch khớp bị khô, góp phần làm giảm đau khớp, chống viêm. Phương pháp này ít tác dụng phụ hơn tiêm corticoid.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân ( PRP)
Đây được coi là phương pháp điều trị tốt nhất đối với người bệnh mới bị thoái hóa khớp. Bệnh nhân sẽ được lấy máu của chính bản thân, sau đó chiết tách PRP và tiêm trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Phương pháp này có tác dụng chống viêm, hình thành các yếu tố tăng trưởng giúp cho quá trình tái tạo, phục hồi mô sụn tại khớp bị tổn thương.
Tế bào gốc
Tế bào gốc là tế bào sẽ tự di chuyển đến mô bị tổn thương, sau đó chúng sẽ thực hiện quá trình chữa trị, sinh sản và thay thế cho tế bào bị thương. Ngoài ra còn giúp giảm quá trình viêm, tăng tưới máu, tăng dinh dưỡng nuôi mô. Bởi vì các tác tác dụng ưu việt trên nền phương pháp điều trị bằng tế bào gốc đang được ứng dụng mạnh trong điều trị các bệnh xương khớp.
Phẫu thuật
Một khi đã sử dụng các phương pháp trên nhưng kết quả vẫn không đạt, nhất là trường hợp thoái hóa khớp nặng thì phẫu thuật được lựa chọn. Việc phẫu thuật có nhiều lợi điểm nhưng đi kèm đòi hỏi cao về chuyên môn, cơ sở vật chất và chi phí và lựa chọn đối tượng.
- Phẫu thuật nội soi ổ khớp cho phép bác sĩ quan sát, sửa chữa trực tiếp thương tổn, rửa và làm sạch ổ khớp. Giảm đau hiệu quả và nhanh chóng. Phẫu thuật còn cho phép ghép sụn ở trường hợp mất sụn, lọc sạch vụn từ sụn vỡ, hút dịch viêm rửa sạch ổ khớp. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng.
- Đục xương chỉnh trục: Nếu người bệnh trẻ và thoái hóa khớp gây biến dạng, phẫu thuật này có ích trong điều chỉnh trục cơ học ban đầu của khớp và cân bằng lại lực lên diện khớp.gian dài, giúp xoa dịu cơn đau trong thời gian dài.
- Thay khớp nhân tạo: Một khi khớp tổn hại nặng nề, lớp sụn bào mòn nhiều, việc dùng khớp nhân tạo thay thế sẽ cải thiện tốt khả năng chịu lực, cử động linh hoạt và kéo dài tuổi thọ khớp. Bệnh nhân trên 60 tuổi thường được khuyên dùng.
Phòng tránh bệnh thoái hóa khớp
Có một số cách bạn có thể thực hiện để giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối:
Duy trì cân nặng và vận động:
- Tập thể dục đều đặn: Vận động thể chất thường xuyên giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp, giảm áp lực lên khớp gối. Đi bộ, bơi lội, đạp xe đều là những hoạt động tốt cho khớp.
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng quá lớn có thể tăng áp lực lên khớp gối. Duy trì cân nặng trong khoảng lý tưởng có thể giảm nguy cơ thoái hóa khớp.
Chăm sóc và dinh dưỡng:
- Chế độ ăn uống cân đối: Hãy ăn uống cân đối, giàu canxi và vitamin D để bảo vệ xương và khớp.
- Giữ tư thế ngồi và đứng đúng: Đảm bảo bạn có tư thế ngồi và đứng đúng cách để không tạo áp lực không cần thiết lên khớp gối.
Hạn chế tác động và chấn thương:
- Tránh chấn thương: Cố gắng tránh các hoạt động hoặc hành động có thể gây chấn thương hoặc tổn thương cho khớp gối.
- Sử dụng bảo vệ khi vận động: Khi tham gia các hoạt động thể chất hoặc thể thao, hãy sử dụng dụng cụ bảo vệ như đệm, băng đô đầu gối hoặc giày chạy địa hình để giảm áp lực lên khớp.
Kiểm tra định kỳ:
- Kiểm tra y tế định kỳ: Điều này giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề liên quan đến khớp gối và tiến hành điều trị kịp thời.
- Tuân thủ các chỉ dẫn y tế: Nếu bạn có bất kỳ yếu tố rủi ro nào liên quan đến thoái hóa khớp gối, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
Sự kết hợp giữa lối sống lành mạnh, vận động thể chất đều đặn và chăm sóc y tế định kỳ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối và duy trì sức khỏe của khớp gối trong thời gian dài.
Nói tóm lại, việc cơ thể báo cho ta một cách âm thầm qua những cơn đau, những lần cứng khớp hay cử động khó khăn là một tín hiệu không nên bỏ qua. Tất cả những kiến thức trên xin mang đến cho bạn cái nhìn tổng quan về thoái hóa khớp để từ đó phòng, tránh và hợp tác điều trị.