Một trong 25 phương pháp điều trị giảm đau ở bệnh nhân viêm khớp háng và đầu gối được Hiệp hội Nghiên cứu Xương khớp Quốc tế khuyến nghị là sử dụng dụng cụ hỗ trợ khớp gối như gậy, khung hoặc nạng. Hiệu quả của phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc ở người bệnh thoái hoá khớp gối mang lại hiệu quả như nhau. Các dụng cụ hỗ trợ – biện pháp không dùng thuốc là biện pháp không thể thiếu ở những người có bệnh lý về khớp gối.
Dụng cụ hỗ trợ giúp giảm tải trọng lượng cơ thể đè nặng lên phần tổn thương xương, sụn, giúp duy trì và cải thiện khả năng di chuyển khi bệnh nhân không thể chịu hoàn toàn hoặc một phần trọng lượng cơ thể trên một chân do chấn thương, phẫu thuật hoặc đau. Ngoài ra, dụng cụ giúp cố định các khung xương, khớp giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng hơn.
Gậy, nạng, khung – Dụng cụ hỗ trợ khớp gối, tập đi
Gậy hỗ trợ tập đi
Hiện nay, trong điều trị thoái hoá khớp gối, gậy chống vẫn được sử dụng như phương pháp điều trị bổ trợ cho bệnh nhân. Sử dụng gậy sẽ đem lại nhiều tác dụng tốt cho cơ thể như:
- Giảm trọng lực cơ thể lên khớp gối, giảm tổn thương và cải thiện bệnh thoái hoá khớp gối.
- Tăng độ linh hoạt, dẻo dai của các cơ tại chỗ và toàn thân, giúp tăng tiết dịch khớp tiết ra và cải thiện hiệu quả cơn đau.
- Hỗ trợ giảm cân, bảo vệ lâu dài hệ xương khớp thông qua việc đi bộ nhiều.
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng gậy cho người lớn tuổi bị thoái hoá khớp gối có nhiều lợi ích như
- Giảm nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi.
- Giảm sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau. Điều này giúp hạn chế việc lạm dụng thuốc.
- Cải thiện chức năng hoạt động, giúp bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường nhanh chóng.
- Chống gậy thông thường thường chỉ giúp bệnh nhân thoái hoá khớp gối giảm khoảng 10% trọng lượng tác động lên đầu gối. Vì thế, người bệnh cần được huấn luyện kỹ thuật để có thể sử dụng gậy thành thạo, hiệu quả và an toàn trong các hoạt động thường ngày.
Với những lợi ích trên, ngày càng có nhiều bệnh nhân thoái hoá khớp gối, đặc biệt là người lớn tuổi – đối tượng thường mắc bệnh thoái hóa khớp sử dụng gậy để hỗ trợ việc đi lại hàng ngày hoặc các hoạt động thường nhật và giảm đau khi đi lại.
Cách chọn gậy phù hợp
Khi chọn gậy cần quan tâm đến
- Kiểu dáng: Chọn kiểu dáng và hình dạng tay cầm sao cho thoải mái nhất. Gậy truyền thống với tay cầm uốn cong không phù hợp nếu sử dụng hàng ngày. Gậy 4 chân vững hơn gậy thẳng nhưng lại cồng kềnh hơn.
- Độ dài: Đi giày, đứng thẳng, 2 tay duỗi thẳng và áp sát vào hai bên sườn. Đầu gậy cần chạm vào nếp gấp cổ tay. Khi cầm gậy trong tư thế đứng, khuỷu tay gấp được một góc 30 độ là gây vừa so với cơ thể.
Các loại gậy hiện nay trên thị trường có mẫu mã, hình dáng rất đa dạng. Người bệnh có thể dễ dàng lựa chọn theo thẩm mĩ của mỗi người.
Có 3 loại gậy thường gặp chính: Gậy 1 chân, 3 chân và gậy 4 chân. Gậy 4 chân thường được sử dụng cho những người cao tuổi, khó khăn trong việc đi lại và giữ thăng bằng.
Hướng dẫn sử dụng gậy tập đi
Khi đi bộ bình thường:
- Giữ gậy trên chân lành
- Cầm gậy bằng tay bên chân yếu. Đưa gậy lên trước từ 5 – 10 cm, bước từ từ chân yếu lên ngang bằng gậy..
Khi lên/xuống cầu thang::
- Đi lên cầu thang: Đặt chân mạnh lên bậc thang trước, đổ dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể trên chân mạnh, đưa cơ thể lên cao. Sau đó, đưa đồng thời gậy và chân yếu di chuyển lên bậc thang đó.
- Xuống cầu thang: Thực hiện ngược lại, đưa gậy và chân yếu xuống trước, chân mạnh bước xuống sau. Tay luôn vịn lan can để có điểm tựa. .
Nạng tập đi
Nạng là một dụng cụ hỗ trợ đi lại phổ biến, có thể sử dụng tạm thời hoặc lâu dài. So với gậy, nạng an toàn hơn do có 2 điểm tiếp xúc với cơ thể.
Để sử dụng nạng hiệu quả đòi hỏi phải có cơ lực của 2 tay và thân mình. Người bệnh cần được tập các bài tập nâng cao lực cơ như đẩy người lên xuống ở tư thế ngồi, duỗi khủy.. trước khi sử dụng nạng.
Có 2 loại nạng chính là: nạng khuỷu (forearm crutches) và nạng nách (underarm/axilla crutches). Nạng nách được sử dụng phổ biến hơn. Nhưng xét về mặt dễ kiểm soát và dễ cất gọn thì nạng khuỷu chiếm ưu thế hơn.
Ưu điểm chính của nạng nách là giúp 80% cơ thể di chuyển. Tuy nhiên, cần lưu ý về những tổn thương thần kinh cánh tay có thể xảy ra khi sử dụng kéo dài. Đặc biệt hơn, cần lưu ý không thả người tựa vào vùng nách.
Nạng có thể được thiết kế từ các vật liệu khác nhau như: inox, nhôm, gỗ, sắt… Việc lựa chọn nạng tùy thuộc vào yêu cầu của người bệnh. Về độ bền: Inox bền hơn nhôm gỗ; Trọng lượng: Nhôm thường được lựa chọn; Nạng nhôm dễ điều chỉnh.
Cách chọn nạng phù hợp
Nạng có 2 loại nạng chuẩn và nạng cẳng tay. Nạng cẳng tay là loại nạng có tay cầm ôm lấy cẳng tay, có tác dụng nâng đỡ tốt. Những người có phần thân trên khỏe thường dùng loại này. Một số điều cần quan tâm khi chọn nạng là:
- Kiểu dáng: Nên một cặp nạng có tay nắm thoải mái và có đệm êm trên đầu nạng.
- Độ dài: Cần lựa chọn nạng có độ dài phù hợp. Nạng quá dài có thể va vào nách, gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh. Chiều dài nạng thích hợp là khi luồn được 2 đến 3 ngón tay vào giữa nách và đầu nạng. Nâng cao hoặc hạ thấp tay nắm vừa ngang bằng với hông và khuỷu tay hơi gấp được.
Hướng dẫn sử dụng nạng tập đi:
Nguyên tắc chung:
- Không để chân bị đau chịu lực quá nhiều (100%), cần chia sẻ lực lên nạng.
- Lưu ý, trong quá trình tập đi, cần nhìn về phía trước và nhìn xuống chân.
Hướng dẫn cụ thể cách sử dụng nạng:
- Đặt 2 chân bằng, chân lành chịu lực phụ chân đau. Nghiêng người một ít về phía trước, đặt nạng lên trước..
- Đặt trọng lượng cơ thể lên nạng, từ từ bước chân yếu về phía trước ngang bằng hoặc cao hơn nạng một ít. Chống chân đau (lúc này đã có nạng chịu lực phụ)
- Chân mạnh bước về phía trước. Khi chân mạnh chạm đất, đưa nạng về phía trước và tiếp tục bước đi như bước đầu tiên.
Khi muốn ngồi, cần đứng tựa lưng vào thành của ghế, đảm bảo rằng ghế không di chuyển và bị trượt. Đưa chân yếu ra phía trước, một tay giữ ghế, một tay chống hai nạng và kiểm tra độ chắc chắn của ghế, sau đó, từ từ ngồi xuống ghế. Đặt nạng sát vào tường, xoay đầu nạng xuống sàn để nạng không bị ngã.
Khi đứng lên: Xoay nạng theo chiều từ dưới lên trên, nhích từ từ về phía trước. Dùng tay chống nạng và chân lành làm điểm tựa, dồn trọng lượng cơ thể lên chân mạnh để đẩy thân người lên.
Khung hỗ trợ đi (khung tập đi)
- Khung tiêu chuẩn: Là loại khung có bốn chân không gắn bánh xe, giúp người dùng vững vàng hơn khi đi. Cần nhấc nhẹ khung lên mới có thể di chuyển.
- Khung tập đi hai bánh: Khung có bánh xe ở hai chân trước. Khung này phù hợp nếu người bệnh không cần được hỗ trợ quá nhiều khi di chuyển chỉ dùng nâng đỡ để giảm trọng lượng cơ thể.
- Khung tập đi ba bánh: Khung ba bánh có thể giúp giữ thăng bằng tốt như khung tập đi bốn bánh nhưng nhẹ và cơ động hơn khung bốn bánh.
- Khung tập đi bốn bánh: Khung phù hợp cho những người bệnh muốn giữ thăng bằng mà không cần dựa vào khung.
- Khung có chỗ đặt đầu gối: Khung có cấu trúc tương tự như xe trượt scooter nhưng có chỗ để gác đầu gối.
Cách chọn khung phù hợp
Kiểu dáng: khung tập đi có bánh xe dễ điều khiển hơn khung thường. Tuy nhiên, khung tập đi có bánh xe sẽ khó dừng, kiểm soát tốc độ nếu không có phanh. Khung có bánh xe đặc biệt phù hợp nếu bạn có vấn đề về thăng bằng, yếu hay đau khớp. Khung này cho phép dồn trọng lượng vào tay hơn là chân.
Độ dài: Tương tự như gậy và nạng, cần điều chỉnh khung tập đi tới độ cao phù hợp với cơ thể. Khi duỗi tay áp sát dọc hai bên sườn, đầu của khung tập đi phải chạm được vào nếp gấp cổ tay. Tăng chiều dài của khung có thể tăng độ an toàn nhưng lại khó sử dụng.
Hướng dẫn sử dụng khung tập đi:
- Chuẩn bị: Để bắt đầu tập đi, duy trì tư thế đứng thẳng lưng. Cố gắng di chuyển để chân luôn nằm giữa khung và người nghiêng về phía trước giúp cơ thể cân bằng tránh trượt ngã.
- Bước 1: Nâng khung và đặt lên phía trước. Nếu mới tập, cảm thấy nâng khung quá khó thì dùng loại khung tập đi có bánh xe. Với khung có bánh xe, việc di chuyển khung sẽ hạn chế mất sức hơn.
- Bước 2: Giữ khung cố định, tiến hành di chuyển từng chân đi về phía trước. Lưu ý, không di chuyển 2 chân cùng lúc. Di chuyển từ từ và từng chân.
Nẹp đầu gối
Hiện nay, những người bệnh thoái hóa khớp gối đang điều trị bằng phương pháp này có thể chọn dùng nhiều loại nẹp khác nhau. Ví dụ như nẹp giảm áp, nẹp giúp phục hồi chức năng… Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại nẹp đầu gối phù hợp.
Nẹp đầu gối (nẹp đầu gối y tế) là dụng cụ y khoa hỗ trợ bảo vệ đầu gối bị đau hoặc tổn thương và giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gối gây khó chịu. Nẹp gối không chỉ giúp giảm tải trọng lượng cơ thể đè nặng lên phần tổn thương của đầu gối, nẹp gối còn hỗ trợ khả năng đi lại của người bệnh.
Về chất liệu, nẹp đầu gối được kết hợp từ đệm xốp, nhựa, kim loại, chất dẻo và dây đai. Hiện nay nẹp đầu gối có nhiều màu sắc, kích cỡ và kiểu dáng khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dùng.
Theo tác dụng chính nẹp gối được phân thành 4 loại:
- Nẹp đầu gối dự phòng (Prophylactic): Là loại nẹp bảo vệ đầu gối khỏi chấn thương khi chơi các môn thể thao dễ dẫn đến va chạm mạnh như bóng bầu dục, bóng đá, bóng chuyền..
- Nẹp đầu gối chức năng: Là loại nẹp hỗ trợ vùng đầu gối đã bị chấn thương.
- Nẹp đầu gối phục hồi chức năng: Là loại nẹp hạn chế những cử động gây hại cho đầu gối trong suốt quá trình phục hồi sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Loại nẹp này thường được sử dụng trong các phẫu thuật mổ nội soi khớp gối (dây chằng bên hoặc đứt dây chằng chéo) để phục hồi hoàn toàn dây chằng, tránh biến chứng sau phẫu thuật.
- Nẹp giảm áp (unloader/offloader): Là loại nẹp được thiết kế giúp giảm đau đớn cho người bị viêm khớp.
Thông thường, nẹp đầu gối chức năng, nẹp giảm áp và nẹp đầu gối phục hồi chức năng là những loại nẹp đem lại hiệu quả rõ rệt nhất. Các loại nẹp này thường có tác dụng chuyên biệt: nẹp chống xoay đầu gối ở tư thế nằm, giúp cố định vùng quanh khớp gối, đùi, cẳng chân của chân chấn thương; các loại nẹp khác cố định khớp cổ chân sau chấn thương, sau mổ.
Cần sử dụng những loại nẹp khác nhau cho những tổn thương khác nhau ở đầu gối. Bác sĩ điều trị có thể gợi ý một loại nẹp thích hợp cho người bệnh sau phẫu thuật đầu gối.
Nên sử dụng nẹp đầu gối y tế theo chỉ định của bác sĩ; khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động mạnh. Khi dùng nẹp, cần lưu ý bản lề cần khớp với chỗ đầu gối gập lên, xuống. Dây chằng, băng hoặc băng kiểu móc và vòng khoen cần phải được buộc chặt cố định quanh chân. Trong quá trình vận động, cần thường xuyên kiểm tra lại vị trí của nẹp đảm bảo rằng nẹp không bị xô lệch. Nếu buộc nẹp không đúng vị trí, thay vì có lợi nẹp sẽ gây hại cho khớp.
Xét về tác dụng hỗ trợ khớp gối nẹp chia làm 4 loại:
Nẹp giảm áp (Unloader Brace)
Nẹp giảm áp sử dụng trong các trường hợp viêm khớp ở vị trí gần đường giữa của cơ thể. Nẹp giảm áp giúp cố định khớp gối, đồng thời làm giảm áp lực bên trong khớp; tạo áp lực cho phần ngoài khớp nhiều hơn. Nẹp giảm áp có 2 lợi ích cơ bản: giảm đau và giúp khớp không có tiếng kêu khi vận động.
Nẹp đầu gối có bản lề
Thường được sử dụng trong trường hợp chấn thương dây chằng để giảm đau và cứng khớp:
Trong chấn thương dây chằng chéo giữa, dây chằng ở vị trí gần với đường giữa của cơ thể nhất. Nẹp đầu gối có bản lề sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất cho quá trình phục hồi dây chằng và khớp;
Trong chấn thương dây chằng chéo trước, để điều trị các tổn thương, nẹp đầu gối bản lề có khóa thả, khi đó khớp gối sẽ được cố định khi nẹp khóa và khi nẹp mở khớp gối sẽ uốn cong.
Nẹp cao su tổng hợp có đường cắt
Trong trường hợp sụn khớp suy yếu chức năng, giảm đàn hồi và đau nhức loại nẹp này sử dụng phổ biến. Nẹp đầu gối có đường cắt sẽ hỗ trợ giúp giảm đi sự khó chịu và giữ cho đầu gối cố định ở vị trí bình thường.
Ngoài ra, nẹp có đường cắt cho phép người bệnh thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho các cơ như: cơ tứ đầu đùi hoặc các nhóm cơ ở mặt trước đùi.
Nẹp nén bằng cao su tổng hợp Neoprene
Nẹp nén bằng cao su tổng hợp có ưu điểm là ấm, có độ nén cao và hạn chế được tình trạng sưng khớp. Khi sử dụng sẽ mang lại sự tự tin cho người bệnh. Khi thực hiện các động tác liên quan đến gối, người bệnh có cảm giác khớp được hỗ trợ nên an tâm thực hiện. Khi mang nẹp nén lại, người bệnh sẽ cần cẩn thận khi thực hiện các hoạt động thể chất, từ đó hạn chế tối đa những tác động xấu đến khớp gối.
Lợi ích của việc sử dụng dụng cụ hỗ trợ khớp gối
Việc sử dụng dụng cụ hỗ trợ cho khớp gối có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người sử dụng, bao gồm:
Hỗ trợ và ổn định cho khớp gối:
- Giảm áp lực: Dụng cụ hỗ trợ như băng đô đầu gối hoặc đệm bảo vệ giúp giảm áp lực lên khớp gối khi thực hiện các hoạt động vận động.
- Tăng độ ổn định: Chúng có thể cung cấp hỗ trợ tốt hơn, giúp tăng độ ổn định cho khớp gối trong khi thực hiện các hoạt động thể chất.
Giảm đau và nguy cơ chấn thương:
- Giảm đau: Dụng cụ hỗ trợ có thể giúp giảm đau và khó chịu trong khớp gối, đặc biệt khi sử dụng trong các hoạt động có thể tạo áp lực lên khớp.
- Bảo vệ khớp: Chúng giúp bảo vệ khớp khỏi tổn thương hoặc chấn thương trong các hoạt động tập luyện hay thể thao.
Tăng cường hiệu suất hoạt động và linh hoạt:
- Hỗ trợ vận động: Dụng cụ giúp tăng cường vận động và linh hoạt của khớp gối, cho phép người sử dụng thực hiện các hoạt động một cách thoải mái hơn và hiệu quả hơn.
- Hỗ trợ trong thể thao: Đặc biệt hữu ích khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc tập luyện, giúp người dùng duy trì hiệu suất tốt hơn và giảm nguy cơ chấn thương.
Tăng chất lượng cuộc sống hàng ngày:
- Giảm hạn chế vận động: Bằng cách giảm đau và tăng cường ổn định, dụng cụ hỗ trợ giúp giảm hạn chế vận động và cho phép người sử dụng thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng hơn.
- Tăng độ tự tin: Người sử dụng có thể cảm thấy tự tin hơn trong việc thực hiện các hoạt động khi biết rằng khớp gối được bảo vệ và hỗ trợ tốt.
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ khớp gối có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể, giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người sử dụng.
Hy vọng những thông tin mà phòng khám DrKnee chia sẻ trên đây giúp các bạn có thể hiểu được các tác dụng của những dụng cụ hỗ trợ khớp gối. Để được tư vấn và thăm khám về các tình trạng sức khỏe của bạn, các lộ trình bài tập vật lý trị liệu để chữa trị bệnh, bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại đây: Phòng khám DrKnee, website drknee.vn.
Tài Liệu Tham Khảo
- Chuyên sâu thoái khóa khớp gối – DrKnee
- https://www.verywellfit.com/best-knee-support-products-4158660
- https://www.healthline.com/health/best-knee-braces-for-arthritis
- https://www.diskdr.vn/dau-khop-goi/dung-cu-ho-tro-khop-goi-tot-nhat.html
- https://www.vinmec.com/vi/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/tac-dung-cua-nep-dau-goi/